Trong tuần qua, tin Ấn Độ – nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hạn chế bán ra này đã khiến thị trường gạo thế giới trở nên nóng hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam, giá lúa nguyên liệu và gạo cũng đang tăng lên từng ngày, điều này có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng CPI và lạm phát.
Giá gạo tăng cao có thể tác động đến chỉ số CPI
Ngày 20/7, Bộ Công Thương Ấn Độ đã chính thức ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả loại gạo tẻ thường dolạm phát giá lương thực tại nước này tăng mạnh. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Tin tức nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hạn chế bán ra này đã khiến thị trường gạo thế giới trở nên nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến mùa màng của các quốc gia, xu hướng dự trữ gia tăng trước nguy cơ lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, giá thu mua lúa gạo cũng tăng nhiệt từng ngày. Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật đến ngày 21/7 cho thấy ngay sau khi có tin Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, giá thu mua lúa tại ĐBSCL đã tăng 50-100 đồng/kg so với ngày 20/7. So với tháng 6, giá thu mua lúa gạo đã tăng 300-500 đồng/kg tùy chủng loại.
Theo đó, lúa OM 380 hiện được thương lái mua tại ruộng (lúa tươi) có giá 6.500-6.600 đồng/kg; Đài Thơm khoảng 6.900 – 7.100 đồng/kg; IR 504 dao động 6.600-6.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR504 được thu mua ở mức 10.250 – 10.300 đồng/kg; gạo thành phẩm 504 khoảng 11.750 đồng/kg.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV, doanh nghiệp chuyên cung ứng gạo cho thị trường nội địa và xuất khẩu cho biết khoảng một tuần nay, giá lúa gạo trong nước tăng rất mạnh, biên độ khoảng 100-200 đồng/kg/ngày.
Với biên độ tăng này, nhiều người quan ngại rằng giá gạo sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát của nước ta trong những tháng cuối năm.
“Giá gạo trong nước tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI bởi khi Ấn Độ – nhà cung cấp 40% gạo cho thế giới hạn chế xuất khẩu, các nước sẽ ráo riết tìm các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam nhằm lấp đầy khoảng trống.
Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho xuất khẩu gạo của nước ta, tuy nhiên khi giá gạo xuất khẩu cao sẽ kéo theo giá nội địa cũng lên theo, người tiêu dùng phải chịu giá cao, ảnh hưởng đến chỉ số CPI”, ông Thành lý giải.
Thực tế, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá gạo trong nước tăng 2,53% theo giá gạo xuất khẩu đã tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm.
Còn theo quan điểm của bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch VFA, xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp đà tăng trưởng khi cầu vượt cung, các thị trường lớn của Việt Nam, điển hình như Indonesia vẫn đang mở thầu mua gạo dự trữ. Giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục ở mức cao và tăng thêm nữa.
Trước tình hình này, bà Bùi Thị Thanh Tâm cho rằng Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cần theo dõi sát sao vấn đề thị trường và giá gạo xuất khẩu bởi nếu xuất khẩu được thì tốt, mang lại ngoại tệ cho đất nước, nông dân phấn khởi có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải lưu ý đến rổ hàng hóa và tiêu dùng trong nước.
Hay trước đó, một tình huống từng xảy ra vào năm 2008, khi nhiều nước rơi vào cảnh khan hiếm lương thực, một số kẻ xấu đã tung tin thất thiệt về khả năng mất cân đối lương thực trong nước ta để tiến hành thu gom lúa, gạo nhằm mục đích đầu cơ trục lợi.
Những thông tin này đã tạo ra cơn “sốt giá ảo”, đẩy giá gạo trong nước phi mã, chỉ số CPI tháng 5/2008 tăng 3,91% so với tháng 4/2008. Trong đó giá các mặt hàng lương thực tăng mạnh nhất tới 22,2% và đóng góp tới 61,2% vào mức tăng chung của CPI tháng 5/2008. Thời điểm này, Chính phủ đã phải có những công điện kịp thời dập tắt tin đồn và ổn định thị trường lúa gạo trong nước.
Ông Nguyễn Văn Thành cho biết gạo là một trong những hàng hóa thiết yếu. Do vậy nếu giá mặt hàng này tăng quá cao, Chính phủ có thể sẽ đưa ra những giải pháp như hạn chế nguồn cung xuất khẩu, áp thuế xuất khẩu… để kiểm soát giá gạo trong nước, đảm bảo người tiêu dùng được mua lương thực với giá hợp lý, kiểm soát CPI và lạm phát.
Doanh nghiệp có nên vét kho xuất khẩu?
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo sẽ khiến thị trường gạo toàn cầu nóng lên, xuất khẩu gạo của nước ta cũng đứng trước nhiều cơ hội khi các nước gia tăng dự trữ. Trước thời cơ vàng như vậy, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp có nên “vét kho”, cung cấp cho các đối tác để hưởng giá tốt?
Ông Nguyễn Văn Thành cho rằng thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có nhiều lợi nhuân hơn.
“Nếu doanh nghiệp đang có dư hàng thì cũng nên bán vì mức giá tương đối tốt, nhiều loại được tới 550-570 USD/tấn. Tuy nhiên thời điểm này chỉ có doanh nghiệp dư hàng mới dám chào bán, còn lại đều đang tập trung mua vào, trả đơn hàng cũ”, ông Nguyễn Văn Thành nói.
Dù vậy, Chủ tịch Phước Thành IV cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp có hợp đồng với đối tác nước ngoài cần cân nhắc bởi nguồn hàng vụ Hè Thu cũng sắp hết, giá lúa đang ở mức cao. Trường hợp giá gạo xuất khẩu tăng đột biến ảnh hưởng đến thị trường trong nước và CPI, Chính phủ sẽ có những giải pháp kiểm soát giá.
Ở một góc nhìn khác, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch VFA cho rằng các doanh nghiệp không nên vét kho vì chúng ta phải đảm bảo có một lượng dự trữ tồn kho, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cân đối nguồn cung xuất khẩu những tháng đầu năm 2024.
Ngay sau khi có tin Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tẻ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) có văn bản đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thu mua thóc, gạo hàng hoá nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
“Các doanh nghiệp cần duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực”, Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, xuất khẩu phù hợp, đồng thời báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo cho Cục và VFA.
Theo: Phạm Mơ báo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh